Bảo tàng Quang Trung – Dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc
Bảo tàng Quang Trung Bình Định là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Nơi đây không chỉ lưu giữ những hiện vật, tài liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung, mà còn là minh chứng cho tinh thần quật cường, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm. Hãy cùng dichvuxunau.com tìm hiểu những thông tin chi tiết nhất ngay tại đây nhé.
Hoàng đế Quang Trung sinh năm 1753 mất năm 1792, miếu hiệu Tây Sơn Thái Tổ, danh xưng khác là Bắc Bình Vương. Ông là vị hoàng đế thứ 2 của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông.
Bảo tàng Quang Trung ở đâu
Bảo tàng Quang Trung nằm ở làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Tây Bắc. Đây cũng chính là quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ (thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn).
Cách di chuyển đến Bảo tàng Quang Trung
Bắt đầu từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, đi theo đường quốc lộ 19, qua cầu Phú Phong. Bảo tàng nằm ở đường Ngọc Hân. Với quãng đường dài 45km, thời gian di chuyển là khoảng 1 giờ.
Thông tin liên hệ:
Số điện thoại: 0256 3880780
Giờ hoạt động và giá vé tham quan Bảo tàng Quang Trung:
Giờ mở cửa:
Sáng: 07h00 đến 11h30
Chiều: 13h30 đến 17h00
Mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Khách có nhu cầu tham quan ngoài giờ xin vui lòng liên hệ trước.
Giá vé:
Người lớn: 50.000đ/lần/người
Học sinh, sinh viên, học viên: 25.500đ/lần/người.
Miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi, thương binh, bệnh binh (có thẻ) và người khuyết tật.
Bảo tàng Quang Trung được khởi công xây dựng vào ngày 12 tháng 12 năm 1977 và khánh thành vào ngày 1 tháng 2 năm 1979, nhân kỷ niệm 190 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 1979), nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược và xây dựng đất nước.
Cấu trúc của bảo tàng Quang Trung Bình Định
Bảo tàng Quang Trung được xây dựng theo lối kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại, với những hàng cột được nhắc lại có nhịp điệu, và những lớp mái ngói đỏ gạch, cong cong chạm khắc những hình uốn lượn, khỏe khoắn nhưng vẫn trang nhã, hài hòa.
Bảo tàng được thiết kế cân đối tỏa tròn ra tứ hướng và tụm lại tại điểm chính giữa, nơi đặt tượng đài Quang trung Nguyễn Huệ. Khuôn viên bảo tàng rộng 150.000m², với rất nhiều không gian văn hóa bao gồm: điện thờ Tây Sơn - khu nhà trưng bày vật phẩm bảo tồn - nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn - nhà rông Tây Nguyên.
Kiến trúc bảo tàng kiểu chữ đinh, mái vảy mũi hài, góc mái cong hình mũi thuyền, trang trí hoa văn cá hóa rồng. Trên nóc đền là hình “Lưỡng long chầu nguyệt” với chân 5 móng, vảy đính bằng các loại mảnh sứ và thủy tinh xanh, vàng rất sinh động. Phía trên cửa chính là dòng chữ “Tây Sơn Điện”, hai bên là câu đối viết bằng tiếng Hán.
Trước sân có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ vua Quang Trung, bên phải thờ Nguyễn Lữ, bên trái thờ Nguyễn Nhạc.
Hai đầu hồi điện đặt bàn thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng… Đến đây, bạn có thể được tận tay dâng hương để bày tỏ tấm lòng tôn kính và tưởng nhớ ân đức của các bậc anh hùng dân tộc.
Hiện nay bảo tàng là nơi lưu giữ khoảng trên 11.690 tư liệu, các hiện vật về triều đại Tây Sơn như tiền đồng, binh khí, sắc phong… Toàn bộ nội dung được trưng bày liên hoàn theo 10 phân đoạn (tạm gọi là 10 phòng trưng bày), mỗi phân đoạn là một sự kiện hoàn chỉnh, đầy đủ cả về diễn biến và ý nghĩa lịch sử. (Tham khảo chi tiết tại đây).
Nhà rông dân tộc Bana được UBND tỉnh Gia Lai tặng tỉnh Bình Định và được dựng trong khuôn viên của Bảo tàng Quang Trung. Nơi đây trưng bày các tư liệu, hiện vật về văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Tham quan Bảo tàng Quang Trung
Hiện nay, trong khu vườn cũ của gia đình vua Quang Trung vẫn còn 2 di tích cực kỳ quý giá là giếng nước và cây me. Tương truyền là giếng nước xưa và cây me đã có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn).
Cây me cổ thụ hiện đã trên dưới 300 năm tuổi, với chu vi gốc cây khoảng 3,9m, tán rộng đến 30 mét, cành lá rậm rạp, tỏa bóng mát cả một góc vườn.
Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m, nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ, bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng.
Các vị cao niên trong làng cho biết, trước đây, ai đau ốm lên điện dâng hương xin nước uống, bệnh sẽ chóng khỏi. Người dân nơi đây còn cho rằng, ngồi dưới gốc me già và uống nước giếng này sẽ được hưởng lộc tổ tiên, trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.
Xem nhạc võ Tây Sơn
Chương trình biểu diễn võ nhạc tái hiện lại không khí hào hùng là một phần không thể thiếu tại Bảo tàng Quang Trung. Bộ trống bao gồm 12 cái trống tượng trưng cho 12 con Giáp, thứ tự được xếp thành dàn theo 3 hàng từ nhỏ đến lớn.
Một bài trống gồm 3 hồi: Xuất quân xung trận - Hãm thành - Ca khúc khải hoàn. Nghệ thuật đánh trống điêu luyện khiến người nghe cảm nhận cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn.
Tiếp theo những màn trống trận năm xưa là tiết mục múa quyền, côn với các loại khí giới khác, cùng những điệu múa truyền thống dân gian của người dân Bình Định rất hấp dẫn.
Xem phim về cuộc khởi nghĩa
Đến với bảo tàng du khách có thể xem lại những thước phim lịch sử kể về lịch sử hình thành, phát triển, những chiến tích lẫy lừng và lòng yêu nước thương dân của người anh hùng vĩ đại, trí dũng song toàn. Cảnh phim được dàn dựng rất công phu, để cung cấp cái nhìn tổng quan về vị anh hùng dân tộc.
Có thể bạn quan tâm:
Tour Quy Nhơn Phú Yên 1 ngày
Các địa điểm du lịch Quy Nhơn tuyệt đẹp đang chờ bạn khám phá
Những lưu ý khi tham quan bảo tàng:
Dưới đây là một số kinh nghiệm hữu ích để du khách có sự chuẩn bị cho chuyến đi.
Khách đến tham quan bảo tàng nên ăn mặc lịch sự, kín đáo tao nhã tránh mặc lòe loẹt phản cảm.
Không tự ý vẽ hoặc khắc lên cột, bàn ghế hay bẻ cành hái hoa.
Một số khu vực của bảo tàng bạn không nên tự ý chụp ảnh, quay phim khi chưa được sự cho phép của nhân viên quản lý.
Chuẩn bị cho mình hành trang thật gọn nhẹ, không quá rườm rà, cồng kềnh để quá trình di chuyển tham quan dễ dàng hơn.
Một số vật dụng cá nhân như mũ nón, kem chống nắng sẽ giúp ích cho bạn.
Phải tuân thủ để xe đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung.
Bảo tàng Quang Trung là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đến du lịch Bình Định. Nơi đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về lịch sử và vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ với những chiến công hiển hách, đã góp phần làm nên trang sử vàng son của đất nước.
Xem thêm:
Cẩm nang du lịch Hầm Hô Quy Nhơn từ A-Z
Vì sao gọi Chùa Thiên Hưng là Phượng hoàng cổ trấn của Bình Định?
Tháp Đôi Quy Nhơn ngôi tháp Chămpa cổ còn sót lại ở Bình Định
Những nét độc lạ của Tháp Chăm Bánh Ít chưa nhiều người biết tới
Tại sao Chùa Ông Núi lại nổi tiếng bậc nhất Đông Nam Á, xem ngay nhé