Tượng phật Chùa Ông Núi ở đâu? có bao nhiêu bậc thang?

Chùa Ông Núi là một ngôi chùa cổ ở Bình Định không chỉ nổi tiếng với tượng phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á, mà còn là một địa điểm du lịch tâm linh mang vẻ đẹp hùng vĩ và vô cùng uy nghiêm. Nơi đây được du khách gần xa luôn ghé thăm khi đến tham quan Bình Định.

Hãy cùng dichvuxunau.com khám phá chùa Ông Núi Bình Định có gì đặc biệt mà thu hút khách du lịch và các kỉ lục qua bài viết dưới đây nhé!

Chùa Ông Núi - Linh Phong Thiền Tự ở đâu?

Chùa Ông Núi còn gọi là chùa Linh Phong hay Linh Phong Thiền Tự, tọa lạc trên đỉnh Chóp Vung thuộc thôn Phương Chi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km.

Vị trí của chùa Ông Núi nằm ở thế đắc địa “tựa sơn – vọng hải”, tựa lưng vào núi Bà vững chãi, phía trước nhìn ra đầm Thị Nại, xung quanh có non nước uốn lượng và xa xa là biển Đông. Phong cảnh thật đẹp.

Cách di chuyển đến chùa Ông Núi

Từ trung tâm Tp Quy Nhơn, bạn đi theo đường Võ Nguyên Giáp đến khu kinh tế Nhơn Hội, tiếp tục băng qua cánh đồng điện gió Quy Nhơn, Tượng Phật Ngồi sẽ dần hiện ra trước mắt. Bạn có thể dừng checkin tại cánh đồng điện gió rất đẹp. Khi đến nơi bạn sẽ thấy một con đường đất nhỏ bên phải dẫn lên chùa, nếu còn băn khoăn có thể hỏi người dân để tránh lạc đường nhé.

Nếu bạn là khách du lịch xuống sân bay Phù Cát và muốn đến tham quan Chùa Ông Núi luôn thì bạn hãy đi đường quốc lộ 19B về hướng Nhơn Lý, 2 điểm này cách nhau 23 km. Nếu có thời gian hãy ghé qua Khu dã ngoại Trung Lương ngay sát bên cạnh chùa nhé.

Khám phá vẻ đẹp hùng vĩ tại chùa Ông Núi

Từ dưới chân núi, du khách sẽ được thử thách về sức khỏe và độ nhẫn nại khi phải đi bộ trên con đường có độ dốc cao hơn 100m so với mặt nước biển, và hàng trăm bậc đá để đến được cổng chùa Linh Phong. Lên đến nơi bạn sẽ không thấy uổng phí công sức mình đã bỏ ra khi có thể chiêm ngưỡng dãy núi Bà oai nghiêm hùng vĩ, xa xa là toàn cảnh bán đảo Phương Mai đẹp thơ mộng và ngắm nhìn khung cảnh làng quê thành bình dưới chân núi.

Và bạn đừng quên đến Hang Tổ nhé. Từ trước Chánh điện chùa, đi về hướng Tây qua một cây cầu nhỏ sẽ dẫn lên hang Tổ nằm trên núi phía sau chùa. Tương truyền đây chính là hang đá ngày xưa ông Núi (thiền sư Lê Ban) từng ở và tụng kinh niệm Phật, quanh năm thiền sư chỉ ở trên núi tu luyện, chuyên hái thuốc chữa bệnh cứu người. Năm 2000, tượng ông Núi được tạo dựng, đặt tại hang Tổ. Tượng ngồi cao 84 cm, nhũ vàng, do nghệ nhân Lê Ân thực hiện.

Đến nay hang Tổ vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ với các vách đá bên trong và cảnh quan bên ngoài. Giữa hang là những tảng đá lớn chồng lên nhau và dựng đứng, phía bên dưới là một khe nước từ trong lòng suối chảy ngang qua hang, với độ sâu hơn 5m. Trước đây chùa có tên là “Dũng tuyền thạch cốc” có lẽ cũng bởi vì độ chảy mạnh của dòng suối này.

Dưới cầu là nguồn nước từ hang Tổ chảy về, mát lạnh và trong vắt. Rất nhiều du khách tới cầu để hứng nước rửa mặt, dòng nước ngọt lành róc rách chảy dưới khe bên cầu.

Những trải nghiệm hấp dẫn tại chùa Ông Núi Bình Định

Chùa Ông Núi cao bao nhiêu?

Điểm nổi bật nhất trong khu di tích chùa Ông Núi có lẽ là bức tượng Đức Phật ngự trên đài sen cao 69m được đặt ở lưng chừng núi – tượng Phật cao nhất Đông Nam Á hiện nay. Chỉ riêng chân đế tượng Phật đã cao 15m và có đường kính là 52m, toàn bộ đều được đúc bằng bê tông cốt thép với trắng trang nhã và bắt mắt.

Để lên đến bức tượng Phật khổng lồ này, du khách sẽ phải trải qua 600 bậc thang bằng đá, hai bên là hai dãy núi đá đồ sộ uốn lượn như rồng đang quy chầu. Bạn đừng quá lo vì xung quanh có các trạm nghỉ hay ghế đá cho các bạn có thể nghỉ ngơi và leo lên từ từ.

Lên gần đến tượng thì hai bên bạn sẽ thấy tượng Thập Bát La Hán. Đến chân tượng là Trung tâm thuyết pháp Phật giáo, hành lang La Hán, thư viện Phật giáo và bảo tàng Xá Lợi Phật để du khách đến hành lễ, chiêm bái. Tất cả phải mất 8 năm để hoàn thành.

Ngắm toàn cảnh biển Cát Tiến

Đứng trên cao bạn có thể ngắm cảnh đẹp xung quanh và biển Cát Tiến thu nhỏ trong tầm mắt, hít thở không khí trong lành và cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên. Bạn sẽ cảm nhận được sự an yên và tĩnh lặng từ bên trong tâm hồn.

Dưới chân tượng là một khuôn viên rộng ôm tròn hết chân tượng, đứng ở đây bạn sẽ ngỡ thấy rằng mình thật là nhỏ bé, xung quanh khuôn viên của tượng Phật là những khuôn rào để có thể giữ an tòa cho những du khách.

Lễ hội chùa Ông Núi

Hàng năm, lễ hội chùa Ông Núi diễn ra vào 24 và 25 tháng Giêng âm lịch, ngày giỗ ông Tổ Viên Minh của chùa. Trong dịp này, có hàng ngàn người dân và du khách hành hương về viếng Phật. Ngắm cảnh và đến hang Tổ để dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi cũng như cầu bình an cho gia đình và người thân.

Những lưu ý khi đến chùa Ông Núi

Vì là nơi linh thiêng, nên khi tham quan tại chùa Ông Núi, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Chùa là nơi linh thiêng nên bạn không nên ăn mặc những trang phục quá màu mè và gây phản cảm làm mất đi tính trang nghiêm vốn có của chùa.
  • Đến chùa, bạn nên thành tâm cầu bình an và tận hưởng vẻ đẹp an lạc, linh thiêng thay vì mải mê chụp ảnh.
  • Không tùy ý đụng, chạm hay lấy bất cứ đồ vật nào trong chùa khi không được sự cho phép của nhà chùa.
  • Không dẫm đạp lên cây cối, hoa cỏ hay bàn ghế trong chùa. Vứt rác đúng nơi quy định để tránh làm ô nhiễm môi trường.

Nên xin phép trước với ban quản lý nhà chùa để được sự đồng ý nếu muốn quay phim, chụp hình.


Tham khảo thêm:

Chùa Thiên Hưng ngôi thiền viện đẹp như tiên cảnh

Toàn cảnh Khu dã ngoại Trung Lương khu du lịch biển cực đẹp

Khám phá Tháp Đôi Quy Nhơn kiến trúc Chămpa cổ tại Bình Định

Khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của Tháp Bánh Ít

Tìm hiểu Bảo Tàng Quang Trung bảo tàng lịch sử nổi tiếng ở Bình Định