Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa có gì, nằm ở đâu, giá vé

Ghềnh Ráng Tiên Sa sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, trữ tình với những dãy núi đá nhấp nhô và làn nước biển xanh biếc. Nơi đây, được ví như một viên ngọc quý ẩn mình giữa trời xanh, biển rộng. Và đặc biệt, còn là nơi gắn bó sâu sắc với cuộc đời và thơ ca của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Toàn cảnh khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Ghềnh Ráng Tiên Sa ở đâu

Ghềnh Ráng Tiên Sa nằm tại số 3 đường Hàn Mặc Tử, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 3km về phía Đông Nam. Điểm đặc biệt ở đây chính là quần thể những bãi đá nằm liền kề nhau với hàng vạn viên đá tự nhiên hình trứng chim, nằm tập trung theo đường cong của eo núi Xuân Vân.

Tháng 11-1991 Ghềnh Ráng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Giá vé tham quan:

Giá vé tại đây cực kỳ rẻ chỉ 10.000vnd/người.

Phí gửi xe: từ 2.000 đến 5.000 tùy nơi gửi xe.

Cách di chuyển đến khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Từ Hà Nội và TP HCM, du khách có nhiều cách để di chuyển đến Quy Nhơn:

Xe khách: Có nhiều hãng xe chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội – Bình Định. Và TP HCM – Bình Định như Trường Thịnh, Phương Trang, Mai Linh, Hoàng Long...

Tàu hỏa: Đi bằng phương tiện này cũng là một trải nghiệm thú vị, khi có thể ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường sắt trên đường đến ga Diêu Trì. Từ Diêu Trì bạn đi taxi về Quy Nhơn chừng 15 phút.

Máy bay: Hiện sân bay Phù Cát có kết nối các đường bay từ Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar, Vietjet Air, Bamboo Airway.

Khoảng cách từ Sân bay về trung tâm khoảng 32km, thời gian di chuyển mất khoảng 50 phút. Bạn đi xe trung chuyển của Cảng hàng không Phù Cát về Quy Nhơn và ngược lại (xe đón/trả khách tại số 1 Nguyễn Tất Thành). Phí 60.000 đồng/lượt hoặc cũng có thể ghép chung taxi giá cũng tương đương.

Sự tích Ghềnh Ráng Tiên Sa

Truyện kể rằng, xưa kia ở xứ Bồng Sơn có một cô gái xinh đẹp với tính tình thùy mị, nết na, hiếu thảo với mẹ cha. Nàng đem lòng yêu một chàng trai trong làng và hai người cũng đã có lời hẹn ước. Quan huyện cũng vì say mê nhan sắc của nàng mà tìm mọi cách chiếm đoạt.

Để giữ trọn tấm lòng với người yêu, cô gái đành từ bỏ tất cả từ biệt chàng trai rồi bỏ trốn vào Quy Nhơn. Quan huyện sai người đuổi theo, khi đến Ghềnh Ráng thì bất chợt một cơn giông nổi lên làm núi đá nứt ra một khe lớn rồi cô gái biến mất biệt tăm.

Chàng trai nghe tin khóc thương tìm kiếm khắp nơi nhưng cũng không có tung tích. Khi đêm xuống, chàng thấy hình bóng người thương thoắt ẩn thoắt hiện, khi thì trên triền núi, lúc thì theo những con sóng biển.

Từ đó, mỗi khi trời nổi sấm chớp ở vùng biển Ghềnh Ráng lại xuất hiện hình ảnh một người con gái, dân làng cho rằng đó là hình ảnh của cô gái năm xưa. Và cái tên Ghềnh Ráng Tiên Sa cũng xuất hiện từ đây.

Ghềnh Ráng Tiên Sa có gì

Bãi đá trứng

Bãi đá trứng còn được gọi là Bãi tắm Hoàng Hậu, nơi Nam Phương Hoàng Hậu (vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam) đã lựa chọn làm hành cung mùa hè và là bãi tắm cho riêng mình.

Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bãi tắm độc đáo với hàng vạn viên đá tròn tự nhiên có kích thước khác nhau, những viên đá được làn nước trong xanh gọt giũa nhìn giống như những quả trứng khổng lồ, tạo nên một khung cảnh đẹp lạ thường.

Bước trên những viên đá với đôi chân trần mang đến cảm giác mát lạnh vô cùng tuyệt vời. Bãi tắm rất sạch và trong lành, bao quanh là những ngọn núi cao che chắn.

Bãi Tiên Sa

Bãi Tiên Sa có vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng với những hàng thông xanh ngắt ngút ngàn. Một bên là vách núi cheo leo với những mỏm đá nhô ra biển, bên kia là mặt biển xanh màu ngọc bích bao la, nằm giữa là bãi cát trắng mịn, tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp đến nao lòng.

Khu Mộ Hàn Mạc Tử

Hàn Mạc Tử là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn và cũng là người tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại. Để tưởng niệm một nhà thơ tài ba của Việt Nam, khu mộ được xây dựng và trùng tu thường xuyên ngay tại Ghềnh Ráng Tiên Sa. 

Xuân Diệu hay nhóm thơ “Bàn thành tứ hữu" nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn gồm: Quách Tấn, Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên đều là những nhà thơ có khoảng thời gian dài sinh sống, học tập và làm việc tại mảnh đất Quy Nhơn.

Người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này đã sống những năm tháng cuối đời tại trại phong Quy Hòa, Ông sống trong sự đau đớn vì căn bệnh phong quái ác mà tại thời điểm đó là bệnh nan y, và đây cũng là nơi mà những áng thơ bất hủ của ông đã ra đời.

Con dốc Mộng Cầm dẫn lên đồi Thi Nhân chính là tên nàng thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử lúc sinh thời.

Nhà Thờ Ghềnh Ráng

Đối diện Mộ Hàn Mặc Tử là nhà thờ Đá Ghềnh Ráng, do nằm khuất phía dưới nên ít được biết đến hơn. Thoạt nhìn bên ngoài rất đơn sơ, nhưng khi qua cánh cửa gỗ cũ bước vào không gian bên trong nhà thờ, du khách sẽ bị chinh phục và cuốn hút bởi cảnh quan yên tĩnh và tuyệt đẹp của giáo đường.

Nhà thờ đá được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1963 đến tháng 8 năm 1964 thì được khánh thành, do Linh mục Phạm Châu Diên là người đứng ra xây dựng.

Trải qua nhiều năm tháng và bị hư hỏng xuống cấp, nhà thờ được trùng tu tái thiết lại vào năm 2007. Với không gian và thiết kế đơn giản nhưng khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi và thân thiện.

Đi Ghềnh Ráng Quy Nhơn ăn gì ngon?

Nhắc đến Quy Nhơn, không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp thơ mộng, mà còn hấp dẫn du khách bởi rất nhiều món ăn ngon đặc trưng của vùng đất Bình Định. Chúng tôi sẽ giới thiệu một vài món ngon cho bạn tham khảo nhé.

Nem chả

Có thể nói, trong các món ăn đặc sản Quy Nhơn thì nem chả sở hữu hương vị rất riêng. Không giống những nơi khác, nem ở đây có đủ vị chua chua, cay cay, ngọt thanh, dai giòn và vị chát của lá ổi non rất ngon.

Bánh hỏi cháo lòng

Đây là món ăn mà bạn không thể bỏ qua khi đến du lịch Quy Nhơn. Một phần ăn bao gồm: 1 đĩa bánh hỏi ăn cùng với lòng heo luộc thơm phức, chấm nước mắm chua ngọt với một ít rau sống thật không gì tuyệt vời bằng. Trong suất ăn này có 1 chén cháo nhỏ nóng hổi, cháo có hương vị đặc biệt thơm ngon.

Bánh xèo tôm nhảy

Món ăn vặt này du khách có thể thấy ở nhiều nơi, nhưng khi thưởng thức ở đây bạn mới nhận thấy sự khác biệt. Bánh phải được làm từ tôm đất tươi sống còn nhảy tanh tách mới đúng chuẩn, bột bánh giòn tan, cộng với nước chấm được làm từ nước mắm nhĩ thơm nồng tuyệt ngon.


Kinh nghiệm du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa

Thời gian lý tưởng nhất tham quan Ghềnh Ráng Tiên Sa là vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Vào thời điểm này nước biển trong xanh, khí hậu mát mẻ, dễ chịu, đây là thời gian thích hợp để trải nghiệm các hoạt động vui chơi tắm biển.

Khung cảnh chung tại đây là những bãi đá, để tiện di chuyển và tránh trơn trượt, các bạn nên mang theo giày thể thao hoặc giày lười để bảo đảm an toàn nhé.

Ngoài ra, địa hình ở đây ghồ ghề nên để có những bức hình đẹp thì gậy selfine chống rung là món đồ thực sự cần thiết.

Đến Ghềnh Ráng Tiên Sa bạn có thể tận hưởng thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp, những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo cùng với nhiều hoạt động vui chơi giải trí thú vị. Đây là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm kiếm một kỳ nghỉ dưỡng thư giãn và đáng nhớ.


Bài viết liên quan:

Những địa điểm du lịch Quy Nhơn nổi tiếng xinh đẹp thu hút du khách

Review Surf Bar Quy Nhơn

Cẩm nang du lịch Ghềnh Đá Đĩa Phú Yên từ A-Z